Kết nối mọi đường bay đẹp

Sắp có hàng không mẫu hạm trên không

QĐND - Cục nghiên cứu công nghệ quốc phòng tối tân (DARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát đi một thông cáo khiến nhiều người ngỡ ngàng. DARPA kêu gọi công chúng đóng góp ý tưởng để cơ quan này tiến hành chế tạo hàng không mẫu cơ, một phương tiện chiến tranh tưởng chừng chỉ có thể xuất hiện trong các bộ phim giả tưởng về các siêu anh hùng của Hollywood.
Căn cứ không quân trên không
Thực tế, ý tưởng về hàng không mẫu cơ cũng xuất hiện gần đây nhất trong hai bộ phim “bom tấn” của Hollywood là "The Avengers" và "Captain America: The Winter Soldier". Trong phim "The Avengers", các siêu anh hùng như Captain America, Hulk, Iron Man được chở trên một phương tiện gọi là Helicarrier-hàng không mẫu cơ chứa được hàng chục máy bay chiến đấu.
Đồ họa về ý tưởng hàng không mẫu cơ. Nguồn: DARPA

Tuy nhiên, DARPA không có ý định thiết kế một phương tiện hoàn toàn mới như Helicarrier. Cơ quan này đang nghiên cứu việc cải tiến các loại phương tiện hiện có thành một căn cứ không quân di động trên không để các máy bay không người lái (UAV) có thể cất và hạ cánh. “Chúng tôi muốn tìm cách để sử dụng các UAV hiệu quả hơn. Và một trong những ý tưởng rất hứa hẹn là cải tiến các máy bay cỡ lớn hiện nay thành hàng không mẫu cơ”, ông Đan Pát (Dan Patt), một quan chức của DARPA cho hay.

Theo thông cáo của DARPA, cơ quan này nhiều khả năng sẽ cải tiến các dòng máy bay như B-52 Stratofortress, B-1B Lancer hoặc C-130 Hercules thành hàng không mẫu cơ. Mặc dù vậy, DARPA cũng để ngỏ việc chế tạo tên lửa để chuyên chở các UAV. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ nghĩ đến việc chế tạo hàng không mẫu cơ. Vào thập kỷ 30 của thế kỷ trước, lực lượng không quân thuộc Hải quân Mỹ cũng đã từng thử nghiệm việc cho máy bay cất cánh từ một chiếc khinh khí cầu ngoại cỡ do công ty Goodyear-Zeppelin chế tạo. Tuy nhiên, chương trình này sau đó đã bị hủy bỏ vì thiếu tính thực tế.
Khi UAV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tác chiến của quân đội Mỹ, việc chế tạo hàng không mẫu cơ lại một lần nữa được các “bộ não” của Lầu Năm Góc đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Theo các quan chức của DARPA, việc hàng không mẫu cơ ra đời có thể giúp mở rộng phạm vi tác chiến của các UAV đồng nghĩa với việc giảm được chiến phí cũng như rủi ro của các phi công.

Các máy bay có người lái truyền thống thường đóng vai trò rất quan trọng trong các chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, khi chúng được triển khai tham chiến cũng đồng nghĩa với việc tính mạng của phi công và một khối tài sản khổng lồ bị đặt vào tình huống rủi ro cao. Ví dụ, một chiếc F-22 Raptor bị bắn hạ thì coi như 150 triệu USD biến thành giấy vụn; một chiếc F-35B bị rơi thì hơn 140 triệu USD cũng tan thành mây khói. Đó là chưa tính đến chiếc B-2 có giá thành sản xuất lên tới cả tỷ USD. Chính vì vậy, quân đội Mỹ ngày càng chuộng việc sử dụng UAV, một phương tiện có giá thành sản xuất rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, UAV lại có nhược điểm là tầm hoạt động hạn chế và có tốc độ kém hơn so với các loại máy bay chiến đấu thông thường. Do đó, chế tạo hàng không mẫu cơ chính là một giải pháp “trong mơ” của Lầu Năm Góc. Hàng không mẫu cơ sẽ chuyên chở các UAV đi thực hiện nhiệm vụ. Đến chiến trường, UAV mới được triển khai từ hàng không mẫu cơ. Tác chiến xong, UAV quay trở lại căn cứ không quân di động. Như vậy theo lý thuyết thì hầu như mọi điểm yếu của UAV được triệt tiêu.

Từ UAV tới MAV
Tất nhiên, để UAV có thể cất và hạ cánh xuống hàng không mẫu cơ không phải là chuyện đơn giản dù hiện nay quân đội Mỹ sở hữu công nghệ dẫn đường hàng đầu. Hãng Foxnews dẫn lời chuyên gia công nghệ quân sự Allison Barrie cho rằng, quân đội Mỹ sẽ phải có những bước đột phá trong việc chế tạo UAV thế hệ mới để tương thích với hàng không mẫu cơ và việc này sẽ tốn không ít thời gian.

Hiện Không quân Mỹ đang nghiên cứu phát triển một thế hệ UAV mới với kích thước tí hon, có thể bay theo đàn như loài ong và gần như tàng hình. Văn phòng phương tiện bay, cơ quan nghiên cứu vũ khí của Không quân Mỹ, hồi năm ngoái đã công bố một đoạn phim mô phỏng về khả năng tác chiến khá ấn tượng của thế hệ UAV mới được đặt tên là phương tiện bay siêu nhỏ (MAV). Theo Không quân Mỹ, MAV sẽ trở thành nhân tố sống còn trong chiến tranh tương lai và giúp bảo đảm chiến thắng trên chiến trường. Các quan chức Không quân Mỹ cũng cho hay, họ đã chế tạo thành công những chiếc MAV đầu tiên. Tuy nhiên, hiện chúng chỉ bay được vài phút do tiêu thụ quá nhiều năng lượng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, phải mất nhiều năm nữa khi công nghệ chế tạo pin có bước tiến dài thì may ra các MAV mới trở thành hiện thực như Không quân Mỹ “quảng cáo”.

Share on Google Plus

About Huỳnh Lâm

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

1 nhận xét: