Kết nối mọi đường bay đẹp

Du Lịch An Giang - Thú vị chuyến đi xe ngựa vùng Bảy Núi

Vào những ngày này, du khách du lịch vùng Bảy Núi - An Giang sẽ rất ngạc nhiên trước những chiếc xe ngựa chất lỉnh kỉnh trái cây, gia súc, sản vật núi rừng... chạy lộc cộc trên đường phố, trông thật thú vị.

Từ xa xưa, đa số bà con vùng Bảy Núi gồm hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn sống bằng nghề nông, lâm kết hợp và thường xuyên chở nông sản thực phẩm, gia súc, củi ra chợ mua bán, trao đổi mà phương tiện phổ biến nhất vẫn là xe bò và xe ngựa.

Do đó, gần một thế kỷ trôi qua, bà con ở vùng bán sơn địa này đã gắn bó thân thiết với con bò, con ngựa cũng giống như người đồng bằng sông nước gắn liền với con trâu và chiếc xuồng.

Vào những ngày lễ Tết và hội hè, nhất là mùa lễ hội vía Bà từ tháng 2 cho đến hết tháng 4 âm lịch, du khách càng lúc càng nhộn nhịp, giúp cho loại hình xe ngựa hoạt động tất bật hơn.
Có lẽ ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chỉ vùng Bảy Núi là còn sót lại những chiếc xe ngựa kiểu dáng thô sơ này.

Khác hơn xe ngựa Đà Lạt và Bình Dương, một loại xe có thùng cây, mui và chỗ dựa chắc chắn, xe ngựa vùng Bảy Núi do người Khmer chế ra rất đơn giản, mui trần, bánh cây, không tay vịn, người ngồi không quen cứ lắc qua lắc lại cơ hồ như muốn ngã.

Mãi đến sau năm 1954 bánh xe bằng cây mới được thay thế bánh bơm nên chạy nhanh và êm hơn. Khi xe chạy, người cầm cương thường hóp còi bí bo lại còn gắn thêm chuông hoặc lục lạc lên cổ ngựa để phát ra tiếng leng keng thật lạ và êm tai.

Hồi còn đi học, chúng tôi thường chạy theo những chiếc xe ngựa trang trí lộng lẫy những pa-nô, áp phích để xin tờ quảng cáo về truyện phim hoặc tuồng cải lương sắp trình chiếu. Nay những hình bóng ấy đã đi vào quá khứ nhưng mỗi lần về Tri Tôn nghe tiếng nhạc ngựa lòng tôi lại cảm thấy nao nao như được sống lại một thời tuổi thơ êm ả.
 
  
Tại Tri Tôn và Tịnh Biên, loại hình xe ngựa vẫn tồn tại cho đến hôm nay do tính đặc trưng của một vùng rừng núi và nhu cầu sử dụng của người địa phương. Xe ngựa Bảy Núi chủ yếu để chở người và hàng hoá từ các phum, sóc xuống các phố huyện và chở hàng công nghệ phẩm từ thị trấn ngược lên các xã miền núi.

Vì phải lên xuống dốc, đôi khi còn phải băng qua những đoạn đường đất đá chông chênh nên kiểu dáng xe ngựa nơi đây rất thấp, nhỏ, gọn để tiện dụng bất cứ nơi nào. Mỗi chiếc có thể chở từ 300-500 kg hàng hoá, đặc biệt là lúa gạo và trái cây, kèm thêm vài ba người.

Các lão làng ở xã Văn Giáo (Tịnh Biên) và xã Lương Phi (Tri Tôn) kể rằng, trước đây phương tiện vận chuyển phổ biến ở vùng Bảy Núi chỉ có xe ngựa và xe bò, nhưng xe bò dùng chở các vật liệu nặng hơn như lúa, cây, ván.

Dọc theo những con đường dưới chân núi Dài, núi Cô Tô và núi Cấm lúc nào cũng có những chuyến xe ngựa chở đầy rau cải, măng tre, xoài, mít, gà, vịt … lốc cốc bên cạnh những chiếc xe đời mới bóng lộn như lạc lõng giữa cảnh phồn hoa đô hội.

Từ bao đời nay, người đánh xe ngựa bao giờ cũng chậm rãi, thong dong và nhàn hạ, không vội vàng, khẩn trương như các loài xe cơ động. Những người khách ngồi trên xe cũng không có gì hối hả, họ cứ râm ran hết chuyện này đến chuyện nọ.

Du khách đến Bảy Núi đều say mê ngắm nhìn những chiếc xe ngựa thô sơ nhưng vô cùng quyến rũ đó và thích nghe tiếng nhạc ngựa êm tai, ai cũng ao ước được đi một lần cho biết.

Nhiều người lo ngại một ngày nào đó những chiếc xe ngựa vùng Bảy Núi sẽ lần lượt đi vào “Viện bảo tàng” vì các phương tiện cơ giới dần dần thay thế cho loại xe cổ lỗ này.

Nhưng cũng không ít người tin rằng hình ảnh chiếc xe ngựa miền núi không bao giờ mất đi vì nó là phương tiện hữu hiệu và rẻ tiền nhất mà không có loại xe nào thay thế được. Những chiếc xe ngựa đã trở thành hồn và sức sống của vùng đất này.
Share on Google Plus

About Huỳnh Lâm

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét