Kết nối mọi đường bay đẹp

ĐẶC SẢN Ở BẠC LIÊU

Cốn xại, xá bấu: Đặc sản truyền thống của người Hoa ở Bạc Liêu
 Không biết món cốn xại, xá bấu có tự khi nào, nhưng người Hoa ở Bạc Liêu sử dụng cốn xại (cải muối), xá bấu (củ cải muối) trong bữa ăn hàng ngày. Đây được coi là món ăn đặc sản mang đậm tính truyền thống của người Hoa.

Muốn làm cốn xại ngon, thì cải làm cốn xại (cải tùa xại dùng để làm dưa cải) phải thật tươi non. Đầu tiên, cải được cắt thành miếng nhỏ hoặc để nguyên bắp, rồi đem phơi cho đến héo, nếu không khi làm cải dễ bị hư, đây được coi là khâu quan trọng nhất. Cải sau khi phơi xong, sẽ đem trộn với muối hột, đường, rượu và nhất định không thể thiếu củ riềng để tạo mùi. Cốn xại tính từ khi muối, đến khi ăn được cũng mất hai tuần.


Đối với xá bấu thì cách làm đơn giản hơn. Xá bấu mua về chỉ cần rửa sạch, xắt từng cọng nhỏ phơi khô. Lúc muối, chuẩn bị các thứ gia vị như: đường, bột ngũ vị hương, rượu rồi trộn đều với nhau. Khi nào thấy đường tan, thấm hết vào cọng xá bấu là ăn được. Món này ăn với cháo trắng thì thật tuyệt vời. Có người nói: "Đã là người Hoa thì phải biết ăn cháo trắng với xá bấu".


Bánh củ cải
Ghé chợ Bạc Liêu để thưởng thức thêm một đặc sản nữa đó là bánh củ cải. Bánh có nguồn gốc của người Hoa. Bánh được làm bằng bột mì trắng pha với ít bột củ cải trắng nghiền nhuyễn, cán mỏng ra như bánh ướt. Trong là nhân bánh gồm tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất lột vỏ, đâm dập vừa phải, cùng ít thịt nạc bằm với vài hạt đậu xanh hột hấp. Tất cả được xào chín, nêm nếm vừa ăn. Bánh củ cải ăn kèm với rau thơm, diếp cá, húng lủi, húng cây, quế và ít xà lách. Không thể thiếu phần nước chấm: pha nước mắm, chanh, đường, tỏi, ớt cho vừa ăn.\


Bún Bò cay 

Cách đây chừng chục năm, Bạc Liêu đã làm “nóng” thị trường ẩm thực Đồng bằng sông Cửu Long với loại cây hoang dã là bồn bồn khi được chế biến thành một vài món ăn lạ mà ngon miệng, đáp ứng khẩu vị của những người “sành ăn”...


Chính vì vậy mà ẩm thực Bạc Liêu có tính đặc thù riêng biệt: dân dã, mộc mạc, đã thưởng thức một lần, khó lòng quên. Nhưng có một món mà đến Bạc Liêu bạn không thể không thưởng thức đó là bún bò cay. Và đúng như tên gọi của món ăn, tô bún này được nấu với rất nhiều ớt tươi, khiến màu đỏ của nước bún là nguyên chất chứ không cần phẩm màu. Cạnh bên đó là một đĩa quế tươi xanh, cùng một đĩa muối hột đâm ớt đỏ thích mắt có kèm một lát chanh. Vắt chanh vào tô bún, nhặt rau quế (vừa phải, nhiều hoặc ít quá sẽ làm mất hương vị tô bún) cho vào, dùng đũa trộn đều. Gắp một miếng thịt chấm muối ớt cho vào miệng, hoặc nạc hoặc nạm hoặc gàu, gân, thứ nào cũng cho bạn hương vị đặc trưng ngon của thứ ấy. Ăn xong, bạn sẽ thỏa mãn trong vị cay đến chảy nước mắt, rồi đến cái giòn, dai, bùi béo của thịt bò và vị chua kích thích dịch vị của chanh. Nhưng "đã đời" nhất là sau một đêm say, ăn xong tô bún, vị cay và sức nóng của nó làm các lỗ chân lông toát đầy mồ hôi, sảng khoái cả người.

Mắm chua Vĩnh Hưng

Mắm cá đồng, có ở hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là ở Cà Mau. Nhưng tham quan tháp cổ Vĩnh Hưng (ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), bạn sẽ được dân địa phương giới thiệu món mắm chua. Mắm chua được chế biến từ cá sặt, cá rô, cá lóc nhỏ..., cùng muối, đường, thính, rượu, riềng, tỏi, ớt.... Không giống các loại mắm mặn khác, mắm chua chỉ ăn trong vòng 10 – 15 ngày, nếu có tủ lạnh thì để được lâu. Ngoài sản xuất mắm chua bằng cá sặt, cá rô, cá lóc, người ta còn làm mắm cá lóc mặn truyền thống.


Mắm chua có mùi rất thơm, màu hơi xanh (không đỏ như mắm đồng), còn nguyên dạng con cá nhưng toàn bộ xương đã mềm. Mắm chua ăn cùng với vài trái bần hoặc vài trái ổi, thậm chí vài trái khế, chuối chát, me xanh, hoặc mấy lát dưa leo cũng được. Để tăng thêm hương vị và cho “dễ ăn”, nên có một nắm ớt hiểm xanh. Gắp một con mắm chua bằng cá sặc, cá rô hoặc cá chốt, cho nguyên con vào miệng, không cần phải xé (nếu là mắm cá lóc chua thì phải xé), cắn trái ớt hiểm và miếng ổi, nhai nghe vị mặn vị chua của con mắm mềm từ thịt tới xương hòa trên mặt lưỡi.

Đuông Chà Là - Đặc sản lạ mà ngon
      Đuông chà là là ấu trùng của một loại côn trùng có cánh gọi là kiến dương. Mùa đuông chà là múp míp béo là vào cữ tháng mười đến tháng hai âm lịch. Đuông mẹ có cánh, mỏ nhọn, hai cánh cứng như thép, có thể khoét thủng cả gỗ để vào đẻ trứng. Trứng đẻ thành ấu trùng, béo múp míp, trở thành thứ đặc sản “đệ nhất Nam Bộ”.

      Nhà văn Sơn Nam từng ví von đuông chà là bằng cái tên thật ngộ: Hồ đa tử. Hình thù béo ú xấu xí hơn con sâu nhưng đuông chà là vẫn được ông Nguyễn Nhã Ý, tác giả lỗi lạc của bộ đại từ điển Việt Nam cho đây là món ăn ngon và quý.

      Dọc theo những dải rừng ngập mặn miền Tây từ Soài Rạp, Đầm Dơi, Rừng Sác là dải rừng ngập mặn mênh mông đến mút tầm mắt. Xen kẽ những cây bần, sú, mắm… là những khóm cây chà là. Cây chà là mọc thành khóm như chùm cây cau cảnh. Mỗi bụi có nhiều cây nhánh, có gai sắc nhọn.

      Gọi là chà là rừng để phân biệt với loại chà là có trái to dùng làm mứt, mà ta thường thấy xuất hiện vào dịp Tết. Chà là rừng thuộc họ dừa, nhưng thân nhỏ chỉ độ bằng cổ chân người lớn, cây lâu năm có thân dẻo chắc dùng làm đòn khiêng hoặc cột kèo cho loại nhà nhỏ đơn sơ. Quanh thân cây có những bẹ lá đầy gai nhọn thay thế cành, mỗi bẹ khi già rụng đi để lại những vết sẹo trên thân cây. Thân cây nào có nhiều sẹo chồng chất là cây đó càng lâu năm. Chà là trưởng thành thường cho những quày trái có khi đến hàng trăm, những quả lớn chỉ bằng đầu đũa. Quả già có vị chát dùng để ăn chơi, trẻ con rất ưa thích.

Share on Google Plus

About Huỳnh Lâm

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét